V.League và câu chuyện về khán giả: Những tín hiệu vui

VHO- V.League chỉ còn 1 vòng đấu nữa là kết thúc và ở mùa giải năm nay, giải đấu hấp dẫn nhất cũng đã kịp để lại nhiều dấu ấn. Tuy nhiên những con số biết nói, nhất là về lượng khán giả cũng cho thấy để trở thành một giải đấu chuyên nghiệp đúng nghĩa, chúng ta còn nhiều việc phải làm.

V.League và câu chuyện về khán giả: Những tín hiệu vui - Anh 1

 CAHN thu hút khán giả đến sân bởi những cầu thủ tên tuổi và các ngoại binh chất

Yếu tố truyền thống

Ở các mùa giải trước Nam Định luôn là đội bóng có lượng cổ động viên (CĐV) đến sân đông và kết thúc giai đoạn 1 của mùa giải năm nay, đội bóng thành Nam vẫn giữ vị trí số 1. Số liệu thống kê sau giai đoạn 1 cho thấy, sân Thiên Trường có số lượng khán giả từ 10.000 - 18.000 người/trận, trung bình là 13.571 khán giả/trận trong khi sức chứa của sân là 30.000 chỗ, chiếm 45%.

Xếp ngay sau Nam Định, ở vị trí thứ 2 là đội Công an Hà Nội (CAHN), kết thúc giai đoạn 1, đội này thu hút từ 5.000 - 13.000 khán giả/trận, trung bình là 8.571 khán giả/trận. So với sức chứa của sân là 22.500 chỗ thì CAHN bán được số vé tương đương là 38%. Tiếp theo là đội bóng “vàng son một thuở” Hoàng Anh Gia Lai với trung bình là 8.333 khán giả/trận, chiếm 64%. Đội bóng vừa xuống hạng sau hơn 20 năm chơi ở V.League - SHB. Đà Nẵng đứng thứ 4 về lượng khán giả ở giai đoạn 1 với trung bình là 8.083 khán giả/trận. CLB bóng đá Hà Nội từng rất hút khách với thế hệ Quang Hải, Văn Hậu, Duy Mạnh… khoảng chục năm nay, đến giờ phải đứng ở vị trí thứ 5 với trung bình là 7.833 khán giả/trận. Khá ngạc nhiên là đội bóng mặc áo lính dù làm nhiều người hoài cổ nhớ đến đội bóng Thể Công năm nào nhưng lại đứng cuối cùng về số lượng khán giả đến sân trong số 14 đội bóng dự giải với trung bình 3.950 khán giả/trận.

Qua 5 vòng đấu ở giai đoạn 2, CAHN đang là đội bóng dẫn đầu về số lượng khán giả tới sân với khoảng từ 11.000 - 14.000 khán giả, trung bình là 12.667 khán giả/trận, chiếm 56% sức chứa của sân. Đáng chú ý, trận thu hút đông khán giả nhất của CLB này gần đây là trận đấu gặp CLB Hà Nội ở vòng 5 V.League với 14.000 khán giả đến sân. Đây là trận đấu làm sống lại không khí tưng bừng của sân Hàng Đẫy cách đây 20 năm mỗi khi CAHN đối đầu với đội Thể Công. Đó cũng là thời đỉnh cao của V.League về lượng khán giả tới sân. Ở trận CAHN gặp Hải Phòng cũng thu hút tới 11.000 khán giả tới sân. Sức hút của CAHN không chỉ bởi cái tên gợi “thương nhớ” một thời với những người hâm mộ lứa 7X mà còn bởi đây là CLB đang sở hữu đội hình với các ngôi sao đang được mến mộ hiện nay như Đoàn Văn Hậu, Quang Hải hay các ngoại binh chất lượng nhất. Sự xuất hiện của đội bóng ngành Công an thủ đô đã làm cho V.League thêm sắc màu và thêm hấp dẫn.

Sân Hàng Đẫy cũng trở thành sân nhà của 3 đội bóng mạnh nhất là CAHN, CLB Hà Nội và Viettel. Những năm trước, đội bóng nhà bầu Hiển hút khách số 1 trên sân Hàng Đẫy, nhưng năm nay đành “nhường” chỗ cho CAHN. Sau 5 vòng đấu ở giai đoạn 2, CLB Hà Nội thu hút 6.833 khán giả/trận, trong khi CLB Viettel đứng ở vị trí thứ 7 khi chỉ thu hút được trung bình 4.667 khán giả/trận. Nam Định là đội bóng xếp hạng thứ 2 sau CAHN khi có trung bình 11.500 khán giả đến sân sau 5 trận đấu ở vòng 2 V.League.

Những con số nói lên điều gì?

Ở giai đoạn 1, CLB Nam Định dẫn đầu về lượng khán giả nhưng thực tế mới chỉ lấp được 45% sức chứa của sân. Ở giai đoạn 2, dẫn đầu là CAHN nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 56% sức chứa của sân. Kể từ mùa giải năm 2020 đến trước mùa giải năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượng khán giả đến sân sụt giảm do nhiều vòng đấu phải tổ chức không khán giả hoặc hạn chế khán giả.

Ở mùa giải năm 2019, thời điểm đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, lượng khán giả đến sân trung bình là 7.180 người/trận trong khi tổng số khán giả đến sân sau vòng 5 giai đoạn 2 là 850.200 người, trung bình là 6.748 người/trận. Vì V.League còn 1 vòng đấu nữa mới kết thúc nên việc so sánh giữa hai con số chỉ mang tính tương đối. Và con số 6.748 khán giả/trận cho thấy tín hiệu vui của V.League vì đây đang là giai đoạn cả nền kinh tế nói chung, bóng đá nói riêng phục hồi sau 3 năm điêu đứng vì đại dịch. Con số trên cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, nếu các mùa giải sau V.League hấp dẫn hơn, có thêm nhiều dịch vụ thu hút khán giả tới sân.

Tuy nhiên, số lượng khán giả cũng cho thấy thực tế đáng trăn trở của bóng đá Việt Nam. Đó là bóng đá nội thực sự vẫn chưa tạo sức hút mạnh với người hâm mộ trong nước nên ngay cả khi trở lại sau đại dịch, lượng khán giả đến sân chưa tăng đột biến. Điều này cũng xuất phát bởi nhiều lý do nhưng nguyên nhân chính vẫn là do chất lượng các trận đấu chưa cao, chất lượng cầu thủ ngoại nhiều năm trở lại đây chưa được cải thiện. V.League hiện đã không còn là mảnh đất màu mỡ hút các “sao” ngoại mà thay vào đó là những “địa chỉ đỏ” như Thái Lan, Malaysia, Indonesia.

Giá vé các trận đấu tại V.League cũng khá mềm, như với CAHN, giá thấp nhất là 60.000/vé, cao nhất là 120.000/vé nhưng lượng khán giả đến sân vẫn chưa cao. Nhiều đội bóng ở V.League cũng từng có nhiều “chiêu” thu hút khán giả như mời các ca sĩ nổi tiếng đến sân biểu diễn hay tổ chức bốc thăm trúng thưởng nhưng không hiệu quả nên các đội lại quay về cách tổ chức truyền thống, không có các hoạt động bên lề.

Ở các nước phát triển, xung quanh sân vận động chính sẽ có nhiều khu dịch vụ phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả với các khu ăn uống, quán cà phê, bán đồ lưu niệm ngay trong khuôn viên sân, nhưng ở nước ta điều này vẫn là xa vời. Hầu hết các sân đều không có dịch vụ tiện tích và sạch sẽ phục vụ khán giả để họ có thể dành thời gian cả buổi chiều mua sắm, ăn uống rồi xem bóng đá. Hệ thống cơ sở vật chất tại các sân hiện vẫn chưa đảm bảo. Hầu hết các sân đều cũ, hệ thống ghế trên các khán đài, nhà vệ sinh bẩn khiến nhiều khán giả ngại ra sân. Bên cạnh đó mặt sân chính cũng chưa được chú trọng đầu tư nhiều nên hình ảnh tổng thể chung của V.League chưa thật sự nổi bật.

Vì thế nếu muốn V.League hút khán giả thì các vấn đề nêu trên cần được cải thiện để hy vọng đến một ngày không xa, bóng đá sẽ tự nuôi sống được mình. 

 THU SÂM

Ý kiến bạn đọc